Hiện nay là cuối tháng 9, bắt đầu thời điểm chuyển mùa từ thu sang đông. Thời tiết có nhiều thay đổi, nắng mưa xen kẽ làm cho độ ẩm chuồng nuôi tăng cao, kết hợp với chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn làm cho gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Độ ẩm chuồng nuôi cao là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi.
Để chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần lưu ý một số biện pháp như sau:
– Thường xuyên quét dọn chuồng trại, giữ cho chất độn chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, khi bị ướt cần phải thay thế ngay. Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh không để nước đọng ở khu vực chăn nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần toàn bộ diện tích chuồng nuôi và xung quanh để hạn chế mầm bệnh.
– Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi, định kỳ xử lý bằng hóa chất hoặc úp phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
– Cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa đặc biệt là vào ban đêm. Chủ động sưởi ấm cho đàn vật nuôi nhất là gia súc, gia cầm non.
– Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống sạch cho đàn vật nuôi. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần phải cho đàn vật nuôi uống nước ấm có bổ sung vitamin để nâng cao sức đề kháng.
– Sử dụng kháng sinh để hòa vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như: Bệnh Tụ Huyết Trùng, Hen, Tiêu chảy (cần lưu ý thời gian ngưng thuốc).
– Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho từng giai đoạn, từng loại vật nuôi theo đúng lịch nhằm tăng khả năng miễn dịch chống lại bệnh dịch cho đàn vật nuôi.
– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những con bị bệnh./.